Những phân khúc bất động sản nào sẽ tăng giá mạnh nhất trong năm 2022?
Những phân khúc bất động sản nào sẽ tăng giá mạnh nhất trong năm 2022?; M&A bất động sản tiếp tục sôi động khi kinh tế dần phục hồi… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.
Những phân khúc bất động sản nào sẽ tăng giá mạnh nhất trong năm 2022?
Trong 2022, các phân khúc gồm đất nền, đất nông nghiệp, nhà ở và chung cư giá rẻ được nhận định có khả năng cao sẽ tăng giá trong khoảng 11 – 20%.
Sự tăng trưởng trở lại của ngành bất động sản, thời gian tới, chủ yếu là do các công ty tái cấu trúc lại hoạt động và phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch.
Cùng với đó là sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai. Lãi suất vẫn ở mức thấp; nguồn vốn đầu tư công đang và tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân; dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng không ngừng đổ về Việt Nam; lượng kiều hối vẫn tiếp tục vận hành về một cách ổn định (trừ nguồn tiền từ Nga và Ukraine).
Có thể nhận định, trong ngắn hạn, gói kích thích kinh tế của Chính phủ dù được rót vào khu vực nào, cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực đến thị trường bất động sản, góp phần cải thiện sức mua của người dân nói chung và tạo lực đẩy giúp thị trường bất động sản bật tăng sau thời gian dài bị kìm nén.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, kỳ vọng vào sự cải thiện thu nhập của người dân trong tương lai gần sẽ giúp cho thị trường bất động sản khu vực bán lẻ hoặc tại các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi. Gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai bao gồm 114.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng cũng dự kiến sẽ tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản trong ngắn hạn và còn là động lực tăng trưởng chính của thị trường trong các năm tới.
Thị trường khách sạn Việt Nam đang “hồi sinh”
Sau 3 năm “đóng băng” vì đại dịch Covid-19, thị trường khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM được dự báo “hồi sinh” khi nguồn cung bật tăng mạnh.
Theo JLL Việt Nam, sau 2 năm thắt chặt các biện pháp hạn chế du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các quốc gia Đông Nam Á đang dần nới lỏng và một số quốc gia đã dần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đi lại để mở cửa du lịch quốc tế.
Từ việc khách du lịch quốc tế háo hức quay trở lại Đông Nam Á, kết hợp với các sáng kiến chính của Chính phủ nhằm thúc đẩy lĩnh vực này, năm 2022 sẽ ghi nhận số lượng khách sạn mới gia nhập thị trường cao hơn, đặc biệt đối với các dự án bị trì hoãn đã đặt mục tiêu khai trương trong năm 2022. Do đó, bức tranh ngành khách sạn được kỳ vọng không chỉ tăng về số lượng mà còn về chất lượng để hướng đến khách du lịch quốc tế và nội địa, nhu cầu giải trí và công tác, cùng với thời gian lưu trú trung bình được dự đoán sẽ dài hơn.
Theo JLL Hotels & Hospitality Group, trong bối cảnh các quốc gia mở lại biên giới và giảm bớt các hạn chế trong khu vực, nhu cầu nội địa sẽ tiếp tục dẫn dắt sự phục hồi của ngành du lịch trong 12 tháng tới. Các điểm đến ở Đông Nam Á dự kiến sẽ ghi nhận sự tăng trưởng của du khách quốc tế – cả khách du lịch và khách doanh nghiệp vào nửa cuối năm với nhiều chuyến bay được mở lại, cùng với niềm tin được phục hồi từ du lịch quốc tế.
Lạm phát và dòng tiền chảy vào bất động sản
Trước sức ép cộng hưởng gia tăng lạm phát về tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát do cầu kéo và lạm phát ngoại nhập, dòng tiền và giá cả trên thị trường bất động sản cũng sẽ ngày càng tăng trong năm 2022.
Trong những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đang ghi nhận tình trạng sốt giá (có nơi mức tăng 2 – 3 lần so với trước đó) và quy mô mua bán bất động sản ăn theo các dự án, thông tin quy hoạch hạ tầng lan rộng ra nhiều địa phương, cả khu vực lân cận đô thị lớn cũng như các vùng quê, nông thôn hay vùng núi như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Dương, Kon Tum…
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong tháng 2/2022 so với tháng 1/2021, nhu cầu tìm mua đất nền tại Hà Nội tăng 8% và TP.HCM tăng 18%, thậm chí Lâm Đồng tăng 41%, Khánh Hòa tăng 35%, Đà Nẵng tăng 32%, Đồng Nai tăng 25%.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến cuối năm 2021, giá đất nền tăng từ 20 – 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Cá biệt, có thời điểm đất nền tại một số địa phương ở vùng ven Hà Nội như Ba Vì tăng 45%, hay Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tăng 46%…
Báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, tổng lượng giao dịch M&A bất động sảntrên cả nước gần 900 triệu USD. Dù chỉ ghi nhận trong một quý, nhưng con số này cao hơn khoảng 10% so với kết quả giao dịch của cả năm 2019 và chỉ thấp hơn khoảng 10% so với cả năm 2017, 2018 – giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
“Khớp lệnh” Luật Đất đai với hệ thống pháp luật
Sau 10 đi vào thực tiễn, Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều kẽ hở, vướng mắc, tuy nhiên việc sửa đổi bổ sung cần sự thống nhất với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Thực tế khi luật không cập nhật kịp thời và chính xác sẽ gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường, đã có rất nhiều những kiến nghị, bức xúc đến từ các doanh nghiệp.
Quan điểm của Bộ Xây dựng cần làm thế nào trình song song Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với Luật đất đai, để có sự thống nhất, tránh trường hợp trình trước hoặc trình sau dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo hay khó thực hiện với Luật Đất đai.
Không thể phủ nhận, Luật Đất đai sau 10 năm đi vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều kẽ hở, nhiều điểm vướng mắc. Có 4 vấn đề Bộ Xây dựng đề xuất trong dự án sửa Luật Đất đai.
M&A bất động sản tiếp tục sôi động khi kinh tế dần phục hồi
Theo các chuyên gia, trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô khả quan và các chuyến bay quốc tế đã được mở lại, chắc chắn thị trường mua bán-sáp nhập (M&A) bất động sản sẽ sôi động hơn nữa.
Trái ngược với dự kiến của một số chuyên gia về nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản, thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) bất động sản quý I/2022 vẫn diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn. Các doanh nghiệp bất động sản liên tục thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn.
Theo số liệu thống kê quý I, GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng là 5,03%. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân lên đến 4,42 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong nửa thập kỷ qua và tăng với 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, sau công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản hiện là lĩnh vực nhận được nguồn vốn FDI lớn thứ hai liên tiếp trong 10 năm qua.
Theo Reatimes