Bất động sản 24h: Liệu có một “cơn sóng“ bất động sản mới vào cuối năm?
Liệu có một “cơn sóng” bất động sản mới vào cuối năm?; Từ 1/9 chủ chung cư cũ có thể được bồi thường căn hộ mới rộng gấp đôi… là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất 24h qua.
Liệu có một “cơn sóng” bất động sản mới vào cuối năm?
Theo các chuyên gia khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn phải phụ thuộc trực tiếp vào diễn biến của dịch bệnh. Và hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì việc thị trường trầm lắng là điều tất yếu. Trầm lắng ở đây không có nghĩa là nhà đầu tư không có nhu cầu mà họ đang bị hạn chế các hoạt động giao dịch trực tiếp như tư vấn, tham quan dự án, tham gia các buổi bán hàng. Tâm lý của người mua BĐS đang bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tâm thế chung của thị trường hiện nay là chờ đợi. Với chủ đầu tư, họ chờ đợi dịch bệnh qua đi để triển khai kế hoạch bán hàng. Với khách hàng, họ chờ đợi để đa dạng hóa lựa chọn sản phẩm, để tìm hiểu kỹ dự án trước khi chốt giao dịch.
Mặc dù các giao dịch đang chững lại song một tín hiệu khả quan là chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ giảm giá. Ngược lại, ở một số thị trường vẫn có dấu hiệu tăng giá. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có lực hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, chu kỳ phục hồi ngắn hay dài sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm kết thúc của dịch bệnh.
BĐS du lịch – nghỉ dưỡng đối mặt với khủng hoảng nhưng không suy sụp
Dù thị trường đang gặp nhiều khó khăn nhưng với chiến lược dài hạn, các chủ đầu tư vẫn đổ vốn vào dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nguồn cung và giao dịch vẫn tươi sáng trong nửa đầu năm 2021.
Theo báo cáo thị trường quý II/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lượng sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang chào bán trên thị trường đạt gần 10.000 sản phẩm. Một số dự án điển hình có thể kể đến ở Hạ Long, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Đây vẫn là dòng sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm và tìm kiếm. Trong đó, một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch – nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ tốt (khoảng 30 – 40%). Tại các dự án còn lại vẫn có giao dịch nhưng rất thấp.
Quy hoạch đô thị sông Hồng: Kiểm soát quỹ đất và lắng nghe ý kiến của nhiều bên
Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang trong quá trình lấy ý kiến từ các bộ ngành liên quan. Đáng chú ý, có rất nhiều phản hồi liên quan đến việc sử dụng quỹ đất, di dời dân cư và việc thoát lũ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mới đây đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Đáng chú ý, trong đó có một số ý kiến nổi bật.
Đối với 3 khu vực bãi sông (Tàm Xá – Xuân Canh, Thượng Cát – Liên Mạc, Chu Phan – Tráng Việt), Bộ NN&PTNT cho biết, hồ sơ quy hoạch Bộ nhận được không có các thông số cụ thể về diện tích quy hoạch xây dựng tại các khu vực bãi sông nêu trên.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, với bãi Tàm Xá – Xuân Canh, tổng diện tích đất xây dựng vượt quá đất được xây dựng và chưa quy hoạch xây dựng về phía tuyến đê hiện tại theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Thiếu khung pháp lý khái niệm khu công nghiệp sạch, khó tránh khỏi tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”
Việt Nam đang trong quá trình “dọn tổ” đón đại bàng FDI khi có nhiều lợi thế, tiềm năng vượt trội so với các nước khác về môi trường kinh doanh, đất đai, nhân công rẻ… Bất động sản công nghiệp là một trong những phân khúc sẽ hưởng lợi nhất từ làn sóng này. Chính vì thế, thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước ồ ạt triển khai các dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp để “đi tắt đón đầu” cơ hội từ khối doanh nghiệp FDI có nhu cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, trên thị trường hiện nay xuất hiện các dự án xây dựng hạ tầng gắn liền với danh xưng “khu công nghiệp sạch”. Dựa theo tâm lý thị trường, mô hình khu công nghiệp sạch sẽ là xu hướng khi các quốc gia trên thế giới hầu hết đã chuyển qua mô hình sản xuất sạch, bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất cần quỹ đất “sạch”, các nhà xưởng, kho xây sẵn… để không mất nhiều thời gian chuyển đổi hay giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng… Tuy nhiên, “khu công nghiệp sạch” là một mô hình khu công nghiệp mới hay chỉ là tên gọi thì đây là câu hỏi cần được trả lời.
Từ 1/9 chủ chung cư cũ có thể được bồi thường căn hộ mới rộng gấp đôi
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định hệ số k bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận, làm cơ sở để chủ đầu tư lập phương án bồi thường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Đáng chú ý Nghị định nêu rõ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có nhu cầu tái định cư. Cụ thể, căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án tại từng khu vực, UBND cấp tỉnh quyết định hệ số k bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận, làm cơ sở để chủ đầu tư lập phương án bồi thường.
Theo Reatimes