Bất động sản 24h: Diễn biến khác biệt ở thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội
Diễn biến khác biệt ở thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội; nhà đầu tư F0 liệu có ồ ạt quay lại, sốt đất tiếp tục xảy ra?… là những tin tức bất động sản đáng được quan tâm nhất 24h qua.
Diễn biến khác biệt ở thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội
Trong khi lượng căn hộ tiêu thụ tại TP.HCM ảm đạm trong quý I thì ở thị trường Hà Nội, lượng căn hộ tiêu thụ lại phục hồi tốt hơn.
Thông tin trên được đưa ra tại báo cáo ngành bất động sản vừa được Vndirect Research phát hành.
Theo đơn vị này, lượng căn hộ tiêu thụ tại TP.HCM ảm đạm trong quý I năm nay. Cụ thể, nguồn cung căn hộ mới trong quý giảm mạnh 52,9% so với cùng kỳ xuống còn 1.709 căn; lượng căn hộ tiêu thụ cũng giảm 30,9% so với cùng kỳ (2.624 căn).
Chuyên gia công ty chứng khoán này cho biết, họ quan sát thấy đây là quý thứ 5 liên tiếp TP.HCM không có nguồn cung mới ở phân khúc bình dân.
Giá trung bình căn hộ sơ cấp quý I tại TP.HCM cũng tăng 2,9% so với quý trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ, đạt 2.219 USD/m2, tương đương 51 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, lượng căn hộ tiêu thụ tại Hà Nội lại phục hồi đáng kể. Theo đó, lượng căn hộ tiêu thụ tại Hà Nội phục hồi mạnh mẽ trong quý I, tăng 169,7% so với cùng kỳ, đạt 4.152 căn. Có được sự phục hồi này là nhờ nguồn cung mới tăng đáng kể, tới 93,7% so với cùng kỳ (khoảng 4.421 căn).
Quảng Ninh khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong tỉnh Quảng Ninh.
Để duy trì chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trong tỉnh, từ cuối năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 6892/UBND-XD4 chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương, chủ đầu tư, các trạm trộn bê tông thương phẩm… khuyến khích sử dụng nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ, sản xuất tại địa phương trong thi công các công trình, dự án trên địa bàn.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh có thế mạnh về nguồn tài nguyên khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp đã đầu tư 5 dây chuyền sản xuất xi măng gồm Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, Công ty CP Xi măng Thăng Long, Công ty CP Xi măng Hạ Long, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh với tổng công suất đạt 7,7 triệu tấn/năm.
Hà Nội dừng hàng loạt dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án PPP theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện gồm 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng; 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong số này có dự án dự án xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20km của Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường. Công ty cổ phần Bitexco (Bitexco Group) cũng bị dừng thực hiện thủ tục dự án đường 70 đoạn từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (đường nối Quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ). Dự án Đường vành đai 5 qua địa bàn xã Sơn Tây, quy mô 10km đang được Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hoàng Dương thực hiện thủ tục dự án cũng nằm trong danh sách này…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian vừa qua, TP. Hà Nội nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư về việc tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Về chủ trương, UBND thành phố luôn hoan nghênh các nhà đầu tư có mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Nhà đầu tư F0 liệu có ồ ạt quay lại, sốt đất tiếp tục xảy ra?
Nhiều giả thuyết đặt ra, rất có thể dòng tiền từ các nhà đầu tư chứng khoán, vàng, tiết kiệm… sau khi chững lại sẽ đổ vào bất động sản (BĐS). Và có thể, BĐS sẽ có thêm đợt “nóng sốt” cục bộ vào thời điểm không xa.
Nhìn lại trước thời điểm cơn sốt đất diễn ra ở các địa phương, thì đến khoảng 30 – 40% các nhà đầu tư (NĐT) đến từ các nguồn lực khác nhau đổ tiền vào BĐS. Thậm chí, theo một chuyên gia trong ngành từ thời điểm 2020 có đến 70% các NĐT đầu tư tham gia thị trường BĐS đến từ NĐT F0, nghĩa là bên cạnh các NĐT BĐS mới thì phần lớn đến từ các kênh đầu tư khác “nhảy vào” BĐS như chứng khoán, tiết kiệm, vàng…
Đại diện Colliers Việt Nam cho hay, phần lớn các nhà đầu tư F0 này lựa chọn phân khúc đất nền trong khu đô thị hạ tầng kết nối giao thông tốt, giá mua được ở mức hợp lí, đồng thời không phải chịu áp lực lãi vay do dùng đòn bẩy tài chính thì không chịu ảnh hưởng lớn. Còn với những nhà đầu tư F0 quá tập trung vào các khu vực tăng trưởng nóng và mua với giá quá cao so với giá trị thực của thửa đất thì có thể gặp khó, nhất là với những nhà đầu tư F0 quyết định vội vàng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Thị trường nhà ở Hà Nội được quan tâm, người mua thực thêm cơ hội sở hữu nhà
Hà Nội vốn là một thị trường đông dân, giá nhà đắt đỏ song với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, cùng với việc nhà đầu tư quay trở lại, thị trường nhà ở Hà Nội đang có nhiều điểm sáng.
Trong tầm nhìn 5 năm từ 2015 – 2020, thị trường nhà ở Hà Nội trải qua 2 giai đoạn chính với những biến động mạnh mẽ. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ năm 2015 đến cuối năm 2018, thị trường đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các phân khúc và các loại hình sản phẩm nhà ở, đặc biệt với thị trường nhà ở thấp tầng. Sức hấp thụ trong giai đoạn này rất khả quan của cả giao dịch trong và ngoài nước.
Giai đoạn hai có thể tính từ năm 2019 đến 2020, thị trường trở nên trầm lắng, nguồn cung hạn chế. Chính sách tài chính thắt chặt, đặc biệt là sự tác động của dịch Covid-19 đã khiến thị trường nảy sinh nhiều khó khăn và thách thức. Nhu cầu nhà ở và số lượng giao dịch bị ảnh hưởng rõ rệt.
Bước sang nửa đầu năm 2021, thị trường nhà ở tại Hà Nội vẫn tiếp tục chịu nhiều tác động từ đại dịch. Tuy nhiên, thực tế khan hiếm nguồn cung sơ cấp tại một số thị trường đã khiến các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và những rào cản pháp lý, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Reatimes