Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 660.000 tỷ đồng sau 2 tháng
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa nối dài chuỗi tăng điểm lên 6 phiên liên tiếp, qua đó đẩy VN-Index lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Đà tăng thực tế đã bắt đầu từ giữa tháng 12/2023 và gần như không bị gián đoạn, ngoại trừ một quãng nghỉ ngắn vào cuối tháng 1.
Chỉ sau 2 tháng, VN-Index đã tăng hơn 130 điểm (+12%). Giá trị vốn hóa của HoSE cũng theo đó tăng thêm khoảng 550.000 tỷ đồng (~23 tỷ USD), đạt xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng. Tính chung cả 3 sàn, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng thêm khoảng 660.000 tỷ đồng (~27,5 tỷ USD) sau 2 tháng miệt mài đi lên.
Đà tăng của thị trường thời gian qua được hỗ trợ tích cực bởi tình hình kinh doanh có phần khởi sắc hơn của các doanh nghiệp niêm yết. Theo VNDirect, lợi nhuận ròng quý 4/2023 của 1.128 doanh nghiệp (chiếm 96% vốn hóa thị trường) ước tính tăng 30% so với cùng kỳ 2022, nhờ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có khởi sắc trở lại và yếu tố nền thấp của quý 4/2022.
Lợi nhuận ròng quý 4/2023 của nhóm ngân hàng tăng 22,5% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh trong kỳ, thu nhập ngoài lãi (thu nhập từ phí, hoạt động ngoại hối) tăng mạnh, toàn ngành tăng 20%, chi phí trích lập dự phòng giảm 5%. Đây cũng là nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt chủ đạo thời gian qua.
Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng không còn quá tiêu cực. Lợi ròng trong quý 4 của ngành này sụt giảm 19,6% so với quý 4/2022 và giảm 24% so với quý 3/2023. Tuy nhiên, sự sụt giảm chủ yếu đến từ Vinhomes (VHM), còn số liệu thực tế có vẻ tốt hơn so với thống kê. Nếu loại VHM ra khỏi rổ thống kê, lợi nhuận ròng ngành bất động sản vẫn tăng trưởng 132% so với quý 4/2022.
Nhìn chung, chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng và bất động sản đã giúp thị trường có khởi đầu năm 2024 suôn sẻ. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường chứng khoán năm nay sẽ khởi sắc hơn sau một năm 2023 không dễ dàng. Thực tế, các tổ chức lớn cũng đánh giá cao triển vọng này.
Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất?
Năm 2024, Dragon Capital cho rằng bức tranh toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại nhưng trong nước sẽ có những sự phục hồi đáng kể khi mặt bằng lãi suất thấp có đủ thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và khơi dậy ý chí đầu tư của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cam kết của Chính phủ về việc tiếp tục linh hoạt nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá là rất quan trọng để củng cố lòng tin của các doanh nghiệp tư nhân. Nhóm phân tích dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm 80 doanh nghiệp lớn nhất sẽ nằm trong khoảng 16-18% và đây là tiền đề quan trọng cho chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2024.
Trên thực tế, các nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 88% thị trường, không có quá nhiều kênh đầu tư ngoài cổ phiếu. Lãi suất tiền gửi 12 tháng tại ngân hàng chỉ còn khoảng 4,7%, không đủ hấp dẫn nếu so với mức lợi nhuận 10,9% (tính dựa trên tỉ lệ P/E dự kiến 9,1 của năm 2024) từ thị trường chứng khoán.
Hơn nữa, các kênh đầu tư khác như bất động sản có những giới hạn nhất định như quy mô vốn lớn, thanh khoản thấp, đặc biệt là khi các nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng về tiến độ pháp lý của các dự án. Do đó, các dòng vốn lớn có thể sẽ tìm đến thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài có thể sẽ được cải thiện khi có bất kỳ thông tin tích cực nào của thị trường như việc cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) hay các bước tiến mới trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM). Nhìn chung, Dragon Capital đánh giá năm 2024 là thời điểm hấp dẫn để tham gia vào thị trường chứng khoán.
Đồng quan điểm, người đứng đầu Pyn Elite Fund cũng tỏ ra lạc quan vào triển vọng thị trường thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, triển vọng lợi nhuận tích cực trong vài năm tới. Hiện thị trường chứng khoán đang chưa phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và câu chuyện giảm lãi suất. Nếu lãi suất trong nước giảm, thanh khoản thị trường sẽ dồi dào và lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng mạnh, từ đó làm lợi nhuận thị trường tăng.