Thông tin được ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, cho biết tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn, chiều 7/8.
Theo ông Tiến, tiến độ thực hiện hạng mục quân sự đã được Quân chủng Phòng không Không quân đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ đề ra. Đến nay, nhiều hạng mục quân sự sắp hoàn tất. “Riêng đường băng đã cơ bản, sẽ làm xong trong tháng 9”, ông Tiến nói và cho biết các tổ bay quân sự có thể bay huấn luyện tại đây vào tháng 1 năm tới.
Sân bay Phan Thiết (kết hợp quân sự và dân dụng) được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch năm 2013, rộng 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì.
Sau đó, dự án được Thủ tướng thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết được nâng lên quy hoạch là Cảng hàng không, với một đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu hành khách một năm.
Công trình được khởi công đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án được tái khởi động. Thời gian qua, Quân chủng Phòng không – Không quân đã thực hiện các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay… theo kế hoạch đề ra.
Ban đầu Công ty CP Rạng Đông trúng thầu hợp đồng BOT hạng mục dân dụng sân bay cấp 4C. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng thống nhất điều chỉnh quy mô lên cấp 4E, dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định về đối tác công tư của Luật Đầu tư.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bình Thuận đã rà soát, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà đầu tư Rạng Đông và đang lựa chọn nhà đầu tư thay thế phù hợp.
Tại họp báo, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, hai cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, dịch vụ, du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. 6 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh tăng 7,67%, xếp thứ 11 cả nước.
Nguồn: vnexpress.net